$nbsp;

X

Thứ năm, 21/11/2024

KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN: CÁC CÂU HỎI PHỎNG VẤN VÀ CÁCH TRẢ LỜI

Bạn có băn khoăn mình sẽ gặp những câu hỏi phỏng vấn gì và phải trả lời như thế nào khi tham gia tuyển dụng ở các công ty Nhật Bản. Hay bạn cho rằng các nhà tuyển dụng dù ở Việt Nam hay Nhật Bản đều sẽ đưa ra những câu hỏi phỏng vấn có tiêu chí giống nhau?

Với đất nước có nền văn hóa phong phú như Nhật Bản, quan điểm và cách suy nghĩ của họ đều khác biệt. Và nhiệm vụ của ứng viên nước ngoài đó là thuận theo điểm “khác biệt” đó.

 

Câu hỏi phỏng vấn 1: Hãy cho chúng tôi biết động lực, nguyện vọng khiến bạn ứng tuyển vào công ty (志望動機を教えてください)

Theo cuộc điều tra đối tượng là các nhà tuyển dụng, tâm huyết của ứng viên với công ty được chú trọng thứ 2 sau tính cách của ứng viên.

+ 72% doanh nghiệp chú trọng đến động lực khiến ứng viên ứng tuyển vào công ty

+ Chỉ có 10% chú trọng đến việc tham gia hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ của ứng viên.

Vậy tại sao các nhà tuyển dụng lại chú trọng câu hỏi phỏng vấn này đến vậy?

  • Đánh giá mức độ nhiệt huyết của ứng viên đối với công ty

Nếu có tâm huyết lớn, khi ứng viên trở thành nhân viên sẽ có khả năng làm việc một cách hiệu quả, nhiệt huyết. Từ câu hỏi phỏng vấn này, nhà tuyển dụng có thể biết bạn mong muốn làm việc trong công ty họ đến mức nào.

  • Muốn biết rằng mong muốn làm việc của ứng viên có phù hợp với phương châm làm việc của công ty hay không

Những ứng viên muốn được làm việc tại nước ngoài hoặc với đối tác nước ngoài sẽ không phù hợp với một công ty chỉ hoạt động tại thị trường nội địa. Bởi đôi bên đều sẽ không thể đáp ứng được nguyện vọng của nhau.

Vì vậy, việc thấu hiểu nguyện vọng của ứng viên và đánh giá độ phù hợp của ứng viên với công ty là vô cùng quan trọng.

  • Đánh giá được tính cách của ứng viên thông qua câu trả lời

VD: Câu trả lời ‘’Dù công ty còn trẻ nhưng tôi bị hấp dẫn bởi môi trường làm việc nhiều thử thách’’ tất nhiên sẽ khác với ‘’Tôi muốn làm việc tại một công ty lớn và đã phát triển, ổn định’’

Từ những câu trả lời đó, tính cách của ứng viên ít nhiều sẽ được bộc lộ dưới con mắt phân tích đánh giá tỉ mỉ của các nhà tuyển dụng.

Cách trả lời và lưu ý:

  1. Không chỉ đơn thuần trả lời những điểm tốt, hấp dẫn của công ty, mà cần đưa ra mục đích và tầm nhìn của bản thân, mình muốn làm gì và trở thành ai trong tương lai. Từ đó, cho phía công ty thấy rằng chỉ có họ mới có thể biến những ước muốn nguyện vọng ấy thành hiện thực.
  2. Phân tích điểm mạnh, đặc trưng của công ty ứng tuyển so với các công ty khác trong ngành. Sau đó kết nối các đặc trưng đó với tầm nhìn của bản thân.
  3. Đưa ra lý do thuyết phục cho nguyện vọng đó

VD: Bạn nói muốn làm việc tại nước ngoài. Chỉ một câu nói đó thôi cũng phản ánh cách suy nghĩ và kinh nghiệm cuộc sống của bạn.

Đào sâu câu hỏi “Tại sao làm việc tại nước ngoài có sức hấp dẫn đối với mình”. Nếu nói lý do khiến mình ôm ấp nguyện vọng hoài bão, sẽ khiến câu trả lời của bạn khác biệt và không lặp lại những câu trả lời của ứng viên khác.

  1. Truyền tải được quan điểm của bạn về những định hướng tương lai

Hãy nói chi tiết về việc sau khi vào công ty bạn sẽ làm việc như thế nào, ví dụ như “để đạt được mục đích A thì tôi muốn được phân vào phòng ban B, tham gia vào công việc C.” Miêu tả càng chi tiết càng tốt lộ trình và hướng đi sau này của bạn khi vào công ty.

  1. Tránh nêu ra những nguyện vọng thông thường chung chung

Có những động cơ và nguyện vọng khá chung chung. Ví dụ rất nhiều ứng viên trả lời “Tôi muốn đóng vai trò hỗ trợ cho ngành kinh tế hay tạo ra những sản phẩm chưa từng có. Tôi muốn được thử thách nhiều hơn. Tôi muốn mài giũa năng lực của mình trong những môi trường đó.”

Những câu nói như thế đã được sử dụng quá nhiều trong các cuộc phỏng vấn rồi. Các bạn hãy cố gắng nghĩ ra các câu trả lời chi tiết và khác biệt với những người khác.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi phỏng vấn một cách thuyết phục thì không còn cách nào ngoài việc nắm vững các thông tin về công ty ứng tuyển. 

Câu hỏi 2: Hãy giới thiệu về bản thân bạn (自己紹介をしてください)

Tại sao buổi phỏng vấn lại cần bạn giới thiệu về bản thân

  • Để biết được năng lực, đặc trưng của bạn
  • Để biết được trong một thời gian ngắn như vậy thì bạn có thể giới thiệu về mình được đến đâu

Cách trả lời:

  • Nói sơ lược những thông tin cá nhân và những việc mà bạn nỗ lực nhất

Bao gồm: Tên tuổi, trường, chuyên ngành, thêm vào đó là năng lực, điểm mạnh của bạn. Không cần phải đi vào chi tiết quá nhưng trong vòng 60 giây hãy tóm tắt ngắn gọn về bản thân bạn.

  • Dựa vào nội dung phần giới thiệu của các bạn mà cuộc phỏng vấn phát triển. Vì vậy hãy dẫn dắt nhà tuyển dụng khéo léo đến phần mà bạn muốn nói đến nhất.

VD: Khi bạn nói “Do những phản đối về phương châm vận hành của câu lạc bộ mà có người nói với tôi rằng vì lỗi của tôi mà câu lạc bộ trở nên chán ngắt”. Như thế bạn đã khéo léo đưa vào những nội dung mà người khác ngạc nhiên và muốn hỏi sâu hơn nữa để biết tại sao lại như vậy. Sau đó các câu hỏi phỏng vấn sau phần trình bày của bạn sẽ tập trung hơn vào những chỗ đó.

Câu hỏi 3: Công việc bạn muốn làm sau khi vào công ty? (入社後にやりたい仕事は?)

Ý đồ của câu hỏi:

  • Kiểm tra xem ứng viên đã hiểu nội dung của công việc đến mức nào
  • Kiểm tra xem những việc ứng viên muốn làm với công việc thực tế có khớp với nhau không
  • Muốn biết quan điểm của ứng viên đối với công việc

Cách trả lời và lưu ý:

  • Nghiên cứu kỹ lưỡng về công việc và thử tưởng tượng trong đầu khi bạn làm công việc đó sẽ như thế nào.
  • Nói lý do tại sao bạn muốn làm những việc này từ những kinh nghiệm trong quá khứ.
  • Thể hiện rằng bạn muốn làm những việc này để phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mình.
  • Để đạt được mục đích ấy, thì bạn sẽ cố gắng nỗ lực những gì. Ý này sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
  • Đừng để câu trả lời của mình chệch khỏi định hướng của công ty.

 

Câu hỏi 4: Điểm mạnh của bạn là gì? (あなたの長所は何ですか?)

Với câu hỏi phỏng vấn này, nhà tuyển dụng muốn chắc chắn xem bạn có phải là nhân sự có thể làm việc được trong công ty hay không. Hãy tìm hiểu rõ xem công ty cần những điểm mạnh, yếu tố nào từ phía ứng viên?

Cách trả lời:

  • Đưa ra kết luận: Tôi có điểm mạnh là…, Tôi tự tin là mình có thể…..
  • Không dùng những từ ngữ trừu tượng mà dùng từ cụ thể để nói về những điểm tốt của bản thân
  • Hãy nói về những trường hợp mình đã phát huy được những điểm mạnh đó
  • Mình sẽ phát huy những thế mạnh ấy trong công ty như thế nào

 

Câu hỏi 5: Điểm yếu của bạn là gì? (自分の短所は何ですか?)

Ý đồ của câu hỏi

  • Bản thân ứng viên có nhận biết được điểm yếu của bạn thân không? Năng lực nhận biết bản thân như thế nào?
  • Ứng viên khắc phục khuyết điểm của mình như thế nào.
  • Bản thân có thể thành thật nói ra những điểm yếu của mình không

Cách trả lời và lưu ý:

  • Trả lời thẳng thắn chân thực về khuyết điểm của mình.
  • Không nói về những khuyết điểm nhất định nào đó. Ví dụ bạn không nhất thiết phải nói về những khuyết điểm trong công việc, có thể nói về khuyết điểm trong cuộc sống.
  • Đừng chỉ nói khuyết điểm của tôi là như này, tôi định sửa chữa nó mà hãy chỉ ra chi tiết những biện pháp khắc phục: để cải thiện khuyết điểm đó tôi đã làm những gì. Ngoài ra nếu như những phương pháp bạn thực hiện có kết quả thì hãy nói mức độ cải thiện của bạn đến đâu. Hãy nói về việc bạn đã trưởng thành sau khi khắc phục những khuyết điểm trên.

 

Câu hỏi 6: Định hướng nghề nghiệp trong tương lai của bạn? (就活の軸は何ですか?)

Ý đồ của câu hỏi:

  • Để biết rằng ứng viên có sự chuẩn bị khi lựa chọn công việc chính xác theo ý muốn của mình hay không?

Công ty muốn loại bỏ những người chỉ nhìn vào vẻ hình thức, bề ngoài của công ty. Những câu trả lời như là “những công ty có thể phát triển”, “công ty đóng góp cho xã hội” hay “công ty có những sản phẩm mà tôi thích”… đều sẽ bị đánh giá thấp.

  • Để biết được quan điểm của ứng viên đối với công việc có thống nhất với công việc của công ty không?

Công ty muốn kiểm tra lại một lần nữa liệu những thứ mà ứng viên đòi hỏi trong công việc và công ty liệu có phù hợp, thống nhất với những đặc trưng của công ty hay không?

Cách trả lời và lưu ý:

  • Đừng đứng trên quan điểm của khách hàng, mà hãy dựa trên những điều mình muốn làm để đưa ra được trục định hướng cho công việc của mình.

Có nhiều người dựa trên con mắt của người tiêu dùng để đánh giá như “Vì là công ty lớn”, hay “Vì tôi thích sản phẩm của công ty”. Từ nay trở về sau, bạn sẽ làm việc trong công ty như một nhân viên chính thức nên những câu trả lời đơn giản như vậy sẽ không được đánh giá cao.

Ngoài ra nếu như bạn nói rằng Chế độ về giáo dục rất tốt hay chế độ phúc lợi tốt sẽ để lại ấn tượng cho người nghe.   

  • Đừng nói những định hướng mà bạn có thể có ở bất cứ công ty nào

Nhiều người hay trả lời chung chung là thông qua công việc có thể đóng góp cho xã hội hoặc công việc có thể giúp bản thân trưởng thành hơn. Điều này không được đánh giá cao bởi bạn có thể đạt được nó ở bất cứ công ty nào. 

  • Hãy nói tạo sao bạn có những định hướng nghề nghiệp như thế dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ để có được 1 câu trả lời thuyết phục
  • Hãy nói để hướng tới kết luận rằng trở thành nhân viên công ty là nguyện vọng số 1 của bạn. Muốn đưa ra được kết luận như vậy, bạn phải thống nhất được định hướng công việc của bạn và những đặc trưng của công ty

 

Câu hỏi 7: Hãy nói cho tôi biết về tình hình lựa chọn các công ty khác của bạn (他社の選考状況を教えてください)

Ý đồ của câu hỏi

  • Muốn biết định hướng lựa chọn công ty của bạn

Công ty muốn kiểm tra xem bạn ứng tuyển có phải vì những lý do như Công ty lớn và nổi tiếng hay không, hay là những lý do khác. Hãy dựa vào một định hướng thống nhất, nhất quán của mình để lựa chọn

  • Câu hỏi phỏng vấn này để tham khảo thêm về việc có đưa ra Naitei cho bạn không

* Naitei (内定): giấy chứng nhận tuyển dụng 

Cách trả lời và lưu ý

  • Hãy đưa ra một định hướng lựa chọn công ty nhất quán
    • Tổng hợp theo ngành nghề bạn muốn làm như: Tôi chú trọng vào các ngành tài chính. Trong đó công ty A là ưu tiên thứ N….
    • Tổng hợp theo những thứ bạn muốn làm như Tôi tập trung vào những công ty khởi nghiệp thông qua việc phát triển app điện thoại thông minh. Trong đó có các công ty A, B, C……
  • Đừng chỉ nêu tên các công ty

Ví dụ: Tôi đang ứng tuyển các công ty Mitsubishi, ngân hàng Mitsui UFJ, Toyota, Honda, Ngân hàng Mitsui Sumitomo

Hãy bỏ cách trả lời này vì như thế bạn chỉ cân nhắc những công ty lớn, lựa chọn dựa vào bề ngoài, cảm tính chứ không hề có ý thức lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc.

  • Không cần phải kể tên hết những công ty đang ứng tuyển

Có rất nhiều ứng viên vừa ứng tuyển công ty tài chính, vừa ứng tuyển công ty thương mại, công ty sản xuất. Bạn ứng tuyển công ty thuộc ngành nào thì bạn hãy nói định hướng chọn lựa là ngành đó.

  • Không cần phải nói đến những công ty mà bạn đã trượt

Vì như thế sẽ để lại ấn tượng rất xấu cho nhà tuyển dụng.

Đối với những công ty mà bạn chưa biết là đỗ hay trượt, thì chỉ cần nói là bạn đang ứng tuyển công ty X và đang chờ kết quả.

  • Đừng nói dối

Nhiều người cảm thấy nếu không ứng tuyển vào các công ty lớn thì sẽ không tự nhiên nên đã nói dối. Thực tế, để không bị lấy mất những ứng viên tiềm năng, công ty đã nắm chắc kế hoạch phỏng vấn và naitei của các công ty khác nên nếu nói dối thì khả năng bị lộ sẽ rất cao. 

Câu hỏi 8: Hãy nói về kinh nghiệm hoạt động câu lạc bộ/ngoại khóa của bạn (サークル・部活動経験について)

Ý đồ của câu hỏi:

  • Biết được tính cách của bạn thông qua các hoạt động ngoại khoá bạn tham gia
  • Biết được năng lực của bạn
  • Biết được khả năng làm việc nhóm của bạn

Cách trả lời và lưu ý:

  • Hãy trả lời thẳng thắn bạn thuộc câu lạc bộ nào,những hoạt động của câu lạc bộ đó là gì? Bạn tham gia vào hoạt động nào của CLB? Tất nhiên nếu như là các hoạt động thông thường quá thì ai cũng hiểu. Nhưng có những câu lạc bộ mà có nhiều người chưa nghe qua bao giờ. Nên bạn hãy giải thích để nhà tuyển dụng dễ hiểu.
  • Trình bày về các nôi dung hoạt động. Bạn sẽ hay được hỏi những câu về cách giải quyết vấn đề như là trải nghiệm nào đáng thất vọng nhất đối với bạn. Hãy trả lời về vấn đề là gì, cách giải quyết ra sao và kết quả như thế nào
  • Nếu như bạn có một chức vụ trong câu lạc bộ thì hãy nêu rõ chức vụ đó là gì, hoạt động như thế nào và có những suy nghĩ, hành động gì để xây dựng câu lạc bộ. Ngay cả khi bạn không có chức vụ gì trong câu lạc bộ thì hãy PR năng lực hoạt động nhóm của bạn bằng cách nói ra những nỗ lực của bạn vì tập thể.
  • Khi nghe về những hoạt động câu lạc bộ của bạn, nhà tuyển dụng có thể đo được mức độ phối hợp làm việc nhóm của bạn. Trong tập thể làm thể nào để bạn phối hợp với mọi người tạo ra thành quả. Hãy nói bạn luôn cố gắng suy nghĩ hành động nỗ lực cho tập thể đó.

>> Người không tham gia các hoạt động ngoại khoá thì trả lời như thế nào?

Nếu như bạn không tham gia vào các hoạt động câu lạc bộ thì hãy trả lời thành thực, không cần phải nói dối. Nếu thấy không khí im lặng mất tự nhiên thì có thể nói rằng thay vào đó tôi đã dồn toàn bộ sức lực vào làm việc khác… 

Câu hỏi 9: Công việc mong muốn của bạn là gì? (希望職種は何ですか?)

Ý đồ của câu hỏi

  • Muốn biết bạn có thành ý làm việc gắn bó với công ty không?
  • Biết được bạn muốn làm công việc như thế nào trong tương lai

Cách trả lời và lưu ý

  • Hãy nghiên cứu cẩn thận đầy đủ về các loại ngành nghề
  • Những nguồn để nghiên cứu về nghề nghiệp
    • Giao lưu với các sempai
    • Tìm các bài phỏng vấn các nhân sự cấp cao trên các trang web của công ty
    • Những trang về nghề nghiệp, công việc trong những quyển sách nghiên cứu về ngành nghề
  • Lý do mà bạn muốn làm công việc đó?

Sau đây là 3 cách để bạn nói ra lý do theo đuổi ngành nghề đó:

    • Sử dụng những trải nghiệm trong quá khứ để dẫn tới lý do bạn cảm thấy công việc này hấp dẫn.
    • Hãy nói rằng công việc đó có thể giúp bạn phát huy đươc những kiến thức chuyên ngành của bạn khi còn học đại học.
    • Căn cứ vào ưu điểm, thế mạnh của mình mà nói rằng công việc này giúp phát huy thế mạnh đó của bạn.

 

Câu hỏi 10: Hãy PR bản thân bạn(自己PRをしてください)

Ý đồ của câu hỏi:

  • Công ty muốn biết ứng viên có đủ năng lực để làm việc trong công ty không

Ví dụ như công ty tư vấn cần khả năng tư duy lý luận, công ty thương mại thì khả năng quản lý và khả năng thương lượng  được đề cao. Cứ như vậy, tuỳ theo công ty mà yêu cầu khả năng của ứng viên khác nhau.

  • Công ty muốn biết những cơ sở của việc PR đó

Nếu như bạn chỉ nói suông là tôi rất giỏi việc này thì sẽ không ai tin. Nhưng nếu bạn đưa ra những cơ sở, dẫn chứng cho việc này thì câu trả lời của bạn sẽ thuyết phục hơn rất nhiều

  • Họ muốn biết là liệu những điểm mạnh của bạn có đủ để làm việc trong công ty.

Điểm mạnh cũng có những mức độ khác nhau. Điểm mạnh của bạn có thể cải thiện được vấn đề gì cho công ty, có thể mang lại lợi ích cho công ty không là điều rất cần thiết.

Để có thể thành công khi PR bản thân:

  • Những gì ứng viên PR về bản thân có thống nhất với những gì mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên  không?

Dù bạn có cố gắng lăng xê bản thân mình như thế nào, mà những thứ đó bạn không thể có cơ hội phát huy trong công ty, hay không có ích lợi gì cho công việc thì cũng không có ý nghĩa.

Muốn biết công ty mình ứng tuyển cần những năng lực điểm mạnh gì thì hãy phân tích công ty thật kỹ lưỡng.

Những bài phỏng vấn không bị lan man là những bài thấu hiểu được những năng lực mà nhà tuyển dụng đòi hỏi

  • Truyền đạt từ chủ trương đến cơ sở đến thứ tự ví dụ cụ thể

Ban đầu bạn nên đi từ kết luận để cho nhà tuyển dụng thấy điểm mạnh trong năng lực của bạn. Tiếp đến bạn sẽ nói về cơ sở căn cứ để bạn trình bày những điểm mạnh đó. Ví dụ như điểm mạnh đó được phát huy mạnh mẽ nhất là trong các hoạt động…. thời sinh viên…. Cuối  cùng hãy nói những ví dụ cụ thể như là những điểm mạnh ấy đã được phát huy ra sao và đạt được những thành quả như thế nào..

  • Đi vào chi tiết

Việc trình bày chi tiết căn cứ, cơ sở của năng lực và điểm mạnh của bạn là vô cùng cần thiết. Bạn phải nói như thể nào để những người hoàn toàn không biết gì về bạn có thể hiểu được.

Ví dụ: Tôi đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ…..

Để giải quyết nhiệm vụ đó, tôi nghĩ cần phải…..

Do đó, tôi đã thực hiện những cách giải quyết….

Kết quả đã đem lại cho tôi bài học kinh nghiệm là…..

  • Nói về những định hướng tầm nhìn trong tương lai

Những năng lực mà bạn PR cho phía công ty cần phải có ích đối với công ty. Để nhà tuyển dụng nghĩ rằng những năng lực bạn có trong tay phù hợp và có lợi cho công ty hãy nói về tầm nhìn trong tương lai. “Công việc này của quý công ty các ngài rất cần đến năng lực này. Những năng lực ấy của tôi sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc… của các vị.”

  • Tư thế khi phỏng vấn

Trong buổi phỏng vấn bạn nên ngồi với tư thế ưỡn ngực, thẳng lưng, nhìn thẳng vào mắt người đối diện nhưng hạn chế nhìn liên tục mà có thể hạ tầm nhìn xuống vùng cổ, cà vạt, sử dụng body language, nói bằng giọng to, rõ ràng.

Thái độ khi phỏng vấn của các bạn sẽ để lại ấn tượng to lớn tới nhà tuyển dụng. Nếu bạn nói bằng sự tự tin thì bài PR của bạn sẽ được đánh giá cao. Nếu bạn nói bằng giọng lo lắng, sợ sệt thì bài phỏng vấn của bạn sẽ bị điểm trừ.

— Theo MorningJapan / JapanWorks —