Trong hành trang từ Nhật Bản trở về, hầu như ai cũng mua mỹ phẩm, áo quần Uni Qlo, các loại thuốc, tảo biển và nồi cơm điện công nghệ mới IH (chín từ lõi hạt gạo, nên ngon hơn). Dù chỉ có một tuần ở xứ sở hoa anh đào, du khách cũng như chúng tôi đều cảm nhận được đôi nét về văn hóa mua sắm ở nơi đây.
Vẫn biết, so với tiền đồng Việt Nam, bạn sẽ chẳng dám mua gì, vì rất đắt, nhưng nếu nghĩ đến chất lượng của sản phẩm và giá trị của nó thì ai cũng tặc lưỡi bỏ qua. Thậm chí nhiều sản phẩm ghi rõ made in China, thậm chí có cả Vietnam… nhưng nhiều du khách, trong đó có tôi, vẫn cứ khuân ầm ầm, bởi có một niềm tin tuyệt đối vào tiêu chuẩn chất lượng ở Nhật Bản được quản lý, kiểm định rất chặt.
Cùng mang made China, nhưng nếu qua Nhật, chất lượng sẽ khác xa so với nhiều nước khác. Chả thế mà, con dao gọt hoa quả đơn giản của Trung Quốc nếu mua tại VN với giá 20 ngàn đồng, nhưng mua ở Nhật Bản bạn phải trả tiền tới 210 ngàn đồng/chiếc.
Điều đặc biệt nữa ở Nhật Bản là, nhân công được tiết kiệm tối đa nhằm giảm giá thành, nên vào các trung tâm thương mại, bạn có tìm mỏi mắt cũng không thấy nhân viên để hỏi hay xin tư vấn.
Hàng hoá bạn chọn cho vào giỏ từ tầng 5, tầng 10, nhưng lại trả tiền ở tầng 1 hoặc ngược lại. Người Nhật có niềm tin tuyệt đối vào sự tự giác, tính trung thực của khách hàng. Cũng vì điều này mà khi mua hàng, khách có sự thoải mái trong lựa chọn, mua hay không mua đều có thể thay đổi trước khi rời khỏi tòa nhà.
Quan trọng hơn, bạn cần phải biết, đó là hàng hoá ở Nhật đều ghi 2 cột giá tiền trước thuế và sau thuế. Nếu bạn mua hàng trị giá trên 5.400 Yên và xuất trình hộ chiếu, bạn sẽ được mua đúng với cột giá quy định thấp hơn. Nếu ít hơn số tiền 5.400 Yên, hàng hoá sẽ phải cộng thêm 8% thuế và không cần đưa hộ chiếu ra.
Điều này có nghĩa là, nếu đi theo đoàn, các bạn nên gộp nhiều sản phẩm của nhau lại để thanh toán cùng lúc, hoặc mua nhiều sản phẩm đủ mức trên 5.400 Yên mới thanh toán, không thanh toán lẻ. Điều này, khác hẳn với nhiều nước, như Thái Lan, ra sân bay mới làm thủ tục hoàn thuế.
Nếu đi du lịch Nhật Bản theo tour, chắc chắn bạn sẽ được đưa đến khu Gotemba Outlet – Nagoya nổi tiếng với bạt ngàn hàng hiệu, nhưng dù đã giảm giá 10-50% thì hàng hóa ở đây vẫn chỉ dành cho giới nhà giàu.
Chúng tôi đã có gần 1 ngày đi mỏi chân trong khu hàng hiệu giảm giá này, nhưng ngoài một số thứ lặt vặt giảm giá sâu, còn lại chỉ là sự bổ túc mắt, bởi những chiếc túi có giá cả vài trăm triệu đồng, chiếc kính râm cũng lên tới 50-70 triệu đồng.
Tiền Nhật Bản tính đơn vị có cả vạn chứ không phải là trăm, vì thể chỉ nghe số tiền bạn càng không dám mua, nếu nhân với tỉ giá 21 của đồng tiền Việt thì lại càng khiếp. Người ta vẫn nói, hàng hóa đắt nhất thế giới là ở Nhật Bản quả không sai.
Lời khuyên cho các du khách lần đầu đến Nhật Bản là mua hàng ở chính các shop nhỏ bạn gặp trên đường, vì thế, định mua gì là phải mua ngay theo kiểu cuốn chiếu, bởi bạn không có cơ hội quay lại và cũng có thể là không tìm thấy món hàng định mua.
Điều yên tâm và vui sướng nhất khi đến xứ sở hoa anh đào, của đất nước mặt trời mọc sớm nhất là bạn không phải lo mất cắp, không lo bị giật túi hay bị tính tiền sai, cho dù tiền Yên của Nhật tính đến hàng vạn (1.000 đồng Yên Nhật bằng 20.900 đồng VN). Nếu không may bạn đánh rơi hộ chiếu, hay bỏ quên đồ đạc quý giá ở tàu điện hay xe buýt, thì yên tâm rằng, 100 % của lại sẽ về với chủ, vì người Nhật rất chu đáo trong việc này.
Chính vì thế, những ngày ở Nhật Bản, chúng tôi cứ tung tăng tha hồ váy áo chụp ảnh tự sướng, túi sách, ví tiền vứt bên vỉa hè hay bãi cỏ công viên cũng không suy chuyển.